XƯỞNG SẢN XUẤT NỘI THẤT MÂY - TRE - NHỰA - GỖ CAO CẤP HƯƠNG BÍCH

Mang những sản phẩm tinh hoa tới tay người tiêu dùng, với giá thành rẻ hơn thị trường tới 30%

Hotline: 0983.038.869

Giữ làng nghề trên phố (báo công thương)

Giữ làng nghề trên phố (báo công thương) Một cửa hàng chưa có đủ độ sẩm uất của một làng nghề nhưng nó đã mang đầy đủ sắc thái của các sản phẩm làng nghề.

CôngThương - 40 năm qua, Cửa hàng song mây tre Hương Bích (431 Kim Mã, Hà Nội) của gia đình ông Nguyễn Hữu Sửu là địa chỉ mua sắm quen thuộc của nhiều người dân và khách du lịch yêu thích sản phẩm mây tre dân dã, mang hơi thở thiên nhiên.

Làng nghề trên phố

Cửa hàng Song mây tre Hương Bích khá nhỏ nhưng tập trung rất nhiều sản phẩm song mây tre độc đáo, từ giỏ để hoa quả, khăn lót bàn, đèn treo trang trí, tranh tre, bàn Nhật Bản, giá sách nhỏ nhắn, tinh tế đến bộ safa hoành tráng, hiện đại, lẫn truyền thống... Ấn tượng hơn là cung cách bán hàng rất thân thiện, dễ chịu và đầy độ tin cậy của cô chủ cửa hàng. Khách đã đến đây hầu như không ai ra về tay không. Theo lời chị Bích, cửa hàng này được bố chị (ông Nguyễn Hữu Sửu) gây dựng vào khoảng những năm 70. Ông Sửu vốn là người của làng nghề mây tre, thêu, tạc tượng Sơn Đồng, Hoài Đức, từng tham gia sản xuất tại Hợp tác xã Song mây tre của làng Sơn Đồng. Đã có thời ông lên Hà Nội làm công nhân ở Nhà máy xe điện Hà Nội, nhưng rồi nặng duyên với nghề đã xui khiến ông bỏ nghề công nhân để xây dựng, phát triển nghề truyền thống của làng tại phố Kim Mã trong giai đoạn thị trường Hà Nội có nhu cầu khá cao về sản phẩm song mây tre truyền thống.

Thời gian đầu mở xưởng sản xuất tại phố, khó khăn của xưởng là vốn nhưng nhờ vay mượn, nhờ người hỗ trợ, ông Sửu làm những sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, thời đó, các cơ quan, đơn vị, khách sạn rất ưa chuộng những bộ ghế tô lê bằng mây, trên cơ sở đó, ông tập trung nguồn lực để sản xuất sau khi tìm được nguồn cung cấp nguyên liệu, huy động được thợ làm. Không lâu sau đó, sản phẩm của gia đình được khách sạn Thắng Lợi, khách sạn Hà Nội (cũ) đặt hàng thường xuyên. Thời đó, thị trường Nga lại có nhu cầu lớn về sản phẩm mây tre của Việt Nam, bằng sự quen biết, sản phẩm của gia đình ông Sửu cũng có cơ hội xuất sang thị trường đầy tiềm năng này. Cứ thế, đồ song mây tre của gia đình ông Sửu có nguồn xuất ổn định, chắc chắn. Khoảng những năm 90-95, thị trường đồ song mây tre trong nước phát triển hưng thịnh hơn khi người Việt nhận thức được giá trị của nó. Sản phẩm gần gũi với thiên nhiên, vẻ thanh tao, nhẹ nhàng, chứa đựng cả giá trị tinh thần, thẩm mỹ đặc sắc, trong khi giá bán lại hết sức bình dân. Từ nhà hàng, đến hộ gia đình, kiến trúc hiện đại hay truyền thống đều rộ lên nhu cầu trang trí nội thất bằng đồ song mây tre, sản phẩm mây tre của gia đình ông Sửu có thêm nhiều cơ hội để tiêu thụ. Không chỉ khách hàng là người Việt cửa hàng ông Sửu còn có thêm một lượng lớn khách hàng là người nước ngoài làm việc ở Việt Nam. Họ là người Pháp, Nhật, Nga, Tây Ban Nha yêu vẻ đẹp dân dã, đầy hơi thở thiên nhiên của đồ song mây tre truyền thống Việt Nam được sản xuất tại xưởng gia đình ông Sửu.

Khách đông, ổn định nhưng không vì thế mà chạy theo số lượng, sản phẩm của gia đinh ông Sửu làm ra với tâm niệm đề cao chất lượng, mẫu mã phải được cải tiến thường xuyên, trong khi đó giá thành vẫn giữ ở mức hợp lý. Chính hướng đi này mà mà đồ song mây tre của gia đình ông có được niềm tin của khách hàng trong và ngoài nước cho đến thời điểm này.

Cha truyền, con nối

Hiện ông Sửu tuổi đã cao, mọi bí quyết làm nghề ông truyền lại cho 3 người con, những người mang niềm say mê không thua kém bố mẹ, cộng với sự nhanh nhạy, năng động của tuổi trẻ họ tự tin giữ “lửa” nghề của gia đình một cách trọn vẹn trong sự khó khăn và cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Không dừng lại ở Hà Nội, hiện gia đình ông Sửu mở thêm đại lý giới thiệu sản phẩm ở Quảng Ninh, Nam Định, tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đồ song may tre của gia đình ông Sửu tiến triển rất tốt.

Chị Bích, phụ trách chính của cửa hàng tâm sự, nghề song mây tre không mang lại nhiều tiền, nhưng nó lại mang lại niềm vui, sự thoải mái, ổn định trong hành trình mưu sinh của gia đình chị. Chị nhấn mạnh thêm rằng, để sống với nghề của làng trên phố, những người thợ phải biết thổi hồn vào mỗi sản phẩm. Nói cách khác, mỗi sản phẩm làm ra đều phải tâm niệm là làm cho bản thân mình, còn khi giao dịch, bán sản phẩm cho khách hàng, bản thân gia đình chị luôn đề cao sự chân thành, trung thực. Và sự say mê, chân thành, tin cậy lẫn nhau chính là sợi dây gắn kết các thành viên gia đình ông Sửu với nhau và gắn kết với khách hàng, giúp họ phát triển nghề truyền thống của làng nghê ở phố một cách bền bỉ đi qua thăng trầm của cuộc sống.